Loading
Overlay

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Hội thảo tham vấn quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Sáng ngày 18/10/2024, tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ Bình Dương (số 28 Huỳnh Văn Nghệ, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Đây là một trong những sự kiện nằm trong Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025 và Chương trình công tác năm 2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tham dự Hội thảo có đại diện các Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản đô thị, Phòng Tài chính – Kế hoạch của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đại diện các tổ chức, cá nhân hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là sự tham gia của các nhà khoa học là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và quản lý chất thải rắn.

Tại Hội thảo, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình bày tóm tắt về tình hình phát sinh và hiện trạng công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; một số nội dung của dự thảo Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường (quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sửa đổi, bổ sung về phương pháp tính đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt). Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất một số phương án thực hiện trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt cùng như đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển tại từng địa bàn cấp huyện.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Các chuyên gia và đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá cao cách làm của tỉnh Bình Dương, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành các Thông tư quy định các nội dung có liên quan nhưng căn cứ trên các dự thảo, tỉnh Bình Dương đã chủ động xây dựng quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý và dự kiến đơn giá dịch vụ để kịp thời ban hành áp dụng ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, cho biết dự thảo Thông tư về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và dự thảo Thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường được xây dựng để áp dụng chung trên toàn quốc, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi địa phương sẽ xem xét và quyết định áp dụng sao cho phù hợp; đến thời điểm hiện tại các dự thảo Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường có cập nhật mới, do đó Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cần rà soát để tiếp tục hoàn thiện.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM, cho rằng tỉnh Bình Dương nên sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ toàn bộ chi phí xử lý, đồng thời hỗ trợ một phần chi phí thu gom, vận chuyển cho các hộ dân thuộc khu vực nông thôn, vì khoảng cách nơi đây đến nhà máy xử lý khá xa và thu nhập của người dân còn hạn chế, không đảm bảo chi trả cho dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đối với các trạm trung chuyển, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước khuyến nghị áp dụng trạm ép kín để phù hợp với xu thế và đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa phát tán mùi hôi ra khu vực xung quanh.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt chia sẻ, thực tế cho thấy khu vực đô thị nhất là khu vực có mật độ dân số cao, phương tiện thu gom cơ giới không thể di chuyển vào các ngõ hẻm nhỏ để thu gom chất thải, phương án thực hiện tối ưu là thu gom bằng phương tiện thủ công, do đó cần tính toán đến đội ngũ này và đảm bảo đầy đủ các chính sách cho người lao động trực tiếp thu gom; đối với việc xây dựng quy trình, tần suất thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, các địa phương cấp huyện cần phải thống kê số lượng dân cư trên địa bàn, tuyến đường thu gom và lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh… để bố trí phương tiện, nhân lực cho phù hợp, làm cơ sở tổ chức thực hiện đấu thầu và kiểm tra giám sát. Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt cũng cho rằng các địa phương cần thận trọng áp dụng các định mức để tính toán chi phí phù hợp, hài hòa lợi ích của đơn vị thu gom, chính sách cho người lao động và ngân sách nhà nước.

Ông Trần Thanh Quang – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường phát biểu kết luận tại Hội thảo
Ông Trần Thanh Quang – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường phát biểu kết luận tại Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Trần Thanh Quang – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu chuyên sâu của các chuyên gia, các ý kiến phát biểu sôi nổi và có trách nhiệm của các đại biểu tham dự; đề nghị các địa phương tiếp thu các ý kiến để chuẩn bị phương án thực hiện trong thời gian tới, nhất là việc áp dụng các quy định theo Luật Giá năm 2023. Sở Tài nguyên và Môi trường luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng quy trình thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố rà soát, thống nhất lại quy trình thu gom, vận chuyển tại từng địa phương, cùng nhau nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đạt hiệu quả.

Nguồn: https://stnmt.binhduong.gov.vn/

Tin khác

0916.711.081
0916711081
Zalo chat